Cảm ơn Anbooks đã mang “Dạy con trong hoang mang” đến

Những ngày giáp Tết, những nỗi buồn không tên và những lo lắng vô hình đổ ập xuống.

Ngày còn ở nhà với bố mẹ, nhà mình lúc nào cũng bận đến tận đêm giao thừa, cho đến tận lúc pháo hoa trên TV được bắn lên. Những đứa trẻ như mình sẽ dọn dẹp đến tận giờ đó. Chẳng khi nào đi xem pháo hoa hay đón giao thừa bên ngoài.

Hỏi Tết có vui không? Thành thật mình không biết. Mình không cảm thấy gì.

Trong cuốn Dạy con trong hoang mang, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương có viết, “trẻ thường xuyên bị căng thẳng vì phải đối phó với mọi thách đố trong cuộc sống vượt quá sức chịu đựng của mình. Hồi hải mã bị những hoóc môn căng thẳng làm cho chúng nhỏ lại, khiến chúng sau này lớn lên khó xử lý được ký ức và cảm xúc”.

Khi đọc được những dòng này, mình chợt hiểu ra rất nhiều điều về mình, về cách mình đang phản ứng và những lựa chọn trong cuộc đời của mình, bao gồm cả cách mình phản ứng với trẻ trước đây.

“Nếu em như thế, em không tiến xa được đâu”, đã có người nói thế với mình khi thấy mình nhạy cảm và thể hiện cảm xúc mạnh mẽ. Mình từng nghĩ rằng, mình thật kém cỏi.

Mình cũng từng nghĩ, mình không xứng đáng làm mẹ vì không kiểm soát được cảm xúc của mình và làm tổn thương trẻ.

Mình đã từng như thế rất nhiều năm.

Nhưng mình quyết định tha thứ cho mình khi mình đọc được những dòng chữ ấy. Mình chỉ là một đứa trẻ khi làm mẹ.

Thế nên mình nhắc mình học thêm để làm mẹ cho phù hợp, và trước hết “giáo dục lại mình để trưởng thành hơn” cùng những đứa trẻ.

Có người hỏi mình, sao dạo này tham gia nhiều trò thế? Mình bảo, mình đang dạy lại mình cách để chơi và qua chơi mà trưởng thành hơn.

Mình không cần tiến xa như ai đó nói. Mình chỉ cần mình tiến bộ hơn mỗi ngày, có nghĩa là hiểu mình hơn mỗi ngày, nhìn rõ những phản ứng, những hành vi, cảm xúc, suy nghĩ của mình hơn. Mà có khi, là đắm mình trong suy nghĩ hay mớ lý thuyết cũng được. Ít nhất mình có nỗ lực cho hành trình đầy hoang mang này. Có lẽ những nỗ lực ấy đã mang mình đến với Dạy con trong hoang mang, với PDEP, với Tròn lành hay Khai vấn, rồi EQ và rất nhiều thứ khác.

Mình bớt hoang mang hơn. Giờ có thể nhìn ra và gọi tên những cảm xúc đang đổ xuống. Biết rằng, “một cảm xúc cũ đang thức dậy”.

Mọi thứ rồi cũng qua
Chỉ tình thương ở lại
Xin năm tháng tàn phai
Thôi không còn thở dài

Mình tin thế.

Viết lại, đối diện với những “tàn phai”, một mai nhìn lại, đã đi thật dài. Biết đâu.

Cảm ơn Anbooks đã mang “Dạy con trong hoang mang” đến với thế giới, với mình để mình tự tin mà hoang mang dạy con.

(Chia sẻ từ độc giả Hoàng Tuyết Mai)

Quay lại blog

Để lại bình luận

Xin lưu ý, bình luận cần được phê duyệt trước khi được đăng.